Hotline: 091 802 8809 | Hỗ trợ kỹ thuật: 097 682 7735 - 097 515 8809 - 091 802 8809

Đà Nẵng tập trung quy hoạch lại trong năm 2018

Ngày đăng: 08:54 09/03/2018
Thành phố Đà Nẵng cần thực hiện hiệu quả việc quy hoạch lại để phát triển bền vững các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố biển miền Trung – cũng như cải thiện môi trường đầu tư. Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu tại buổi Tọa đàm Mùa xuân 2018 tổ chức chiều nay (8-3).
 
Du lịch Đà Nẵng: Chiếc Rolls-Royce với tài xế nghiệp dư

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, mở đầu phát biểu của mình bằng sự so sánh khá thú vị. Theo ông, du lịch Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nhưng các chính sách và quy hoạch hiện nay còn rất nhiều bất cập khiến du lịch Đà Nẵng có nguy cơ phát triển mất cân bằng.
 

Ông Huỳnh Tấn Vinh (đứng), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, có những phát biểu thẳng thắn tại buổi tọa đàm.
 
“Nó giống như chiếc xe hạng sang Rolls-Royce được lái bởi tài xế nghiệp dư vậy,” ông ví von.
 
Ông Vinh đưa ra dẫn chứng trong 10 năm qua, khách du lịch đến Đà Nẵng tăng gấp 6 lần (từ 1,2 triệu lượt khách năm 2008 lên 6,6 triệu năm 2018); doanh thu du lịch tăng từ 2.000 tỉ đồng lên gần 20.000 tỉ đồng. Đà Nẵng có sông Hàn, con đường ven biển từ bán đảo Sơn Trà kéo dài đến Hội An là tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch, đặc biệt là MICE (du lịch kết hợp hội nghị). Tuy nhiên, hiện nay du lịch Đà Nẵng đang bị “bê tông hóa” với quá nhiều resort và khách sạn cao tầng mọc lên.
 
“Điều này dẫn đến các tài nguyên của Đà Nẵng bị "nghẹt thở", chưa kể là tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển do nước thải từ quá nhiều resort và khách sạn”.
 
Ông Peter Rider, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Indochina Capital, cho biết Đà Nẵng hiện nay là một trong những địa điểm đầu tư tốt nhất tại Việt Nam, tuy nhiên điểm yếu của thành phố này là “có quy hoạch rất tốt nhưng khi thực hiện là khác hoàn toàn”. Ông rất không đồng tình vì hiện nay có quá nhiều khách sạn 40-50 tầng được cấp phép xây dựng ven biển (trên đường Phạm Văng Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa – PV), làm chắn tầm nhìn ra biển và mất mỹ quan vì không theo một quy hoạch cụ thể.

Bên lề hội nghị, một số doanh nghiệp du lịch cũng đề cập đến vấn đề an toàn môi trường của Đà Nẵng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến du lịch nói riêng mà còn đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp nói chung..
 
Chủ trì buổi tọa đàm, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết năm 2018 này thành phố xác định là năm tập trung quy hoạch và rà soát lại các quy hoạch về du lịch cũng như đầu tư. “Kể từ bây giờ sẽ dừng cấp phép các dự án cao tầng để rà soát lại quy hoạch”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm ông sẽ cùng với các cơ quan liên quan đi khảo sát thực tế để tìm kiếm những giải pháp phát triển ngành du lịch theo hướng đa dạng và bền vững như làm việc với các resort, khách sạn triển khai cung cấp các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí nhằm giúp khách ở lại lâu dài với Đà Nẵng.
 
Cải thiện môi trường đầu tư là điều cần thiết


Có quá nhiều tòa nhà cao tầng đang “bóp nghẹt” sông Hàn Đà Nẵng.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng bày tỏ những quan ngại liên quan đến môi trường đầu tư của TP Đà Nẵng. Trong số 13 kiến nghị gửi lên TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), cho biết hầu hết liên quán đến chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại TP. Đà Nẵng.
 
Ông cho biết tuy 4 năm liên tiếp đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng Đà Nẵng đang gặp một số vấn đề nếu không cải thiện sẽ bị tụt lại trong nhưng năm sau. Một trong những điểm đó là chưa có quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện nay đã quá tải, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
 
“Đã đến lúc thành phố đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là dựa vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để có những hỗ trợ thích đáng chứ không nên hỗ trợ ngay từ lúc đầu như hiện nay”, ông Quang nói và cho biết thêm đào tạo nguồn nhân lực chính là chìa khóa để cải thiện môi trường đầu tư, nhưng hiện nay thành phố vẫn làm chưa tốt.
 
Takizawa Satoru, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, nêu lên sự bức xúc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại thành phố này là không tuyển được được nhân lực phù hợp. “Vì vậy trong những năm qua có khá nhiều doanh nghiệp đã phải dời sang địa phương khác”, ông Takizawa nói và cho biết thêm đào tạo kỹ năng cho công nhân và kỹ sư là điều cấp thiết của Đà Nẵng hiện nay để vừa giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm nhà đầu tư.
 
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp cũng cũng có những đề xuất liên quan đến phát triển thành phố như phát triển các cụm công nghiệp chuyên sâu để tạo lợi thế so sánh cạnh tranh cho Đà Nẵng, thu hút đầu tư và khu công công nghệ cao, du lịch, hoạt động quảng bá và phát triển thành phố trở thành thành phố thông với các dịch vụ và cơ sở hạ tầng kết nối với nhau.
 
98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa
 
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, cho biết trong số 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP Đà Nẵng, 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và thậm chí là siêu nhỏ. “Vì vậy, thành phố cần ưu tiên có những chính sách hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh hơn, góp phần vào phát triển kinh tế Đà Nẵng", ông nói.


DiaOc24G.com/Theo TBKTSG.

Tin tức nổi bật

CHÚNG TÔI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

NẠP TIỀN BẰNG THẺ CÀO