Hotline: 091 802 8809 | Hỗ trợ kỹ thuật: 097 682 7735 - 097 515 8809 - 091 802 8809

EU "rót" 143 triệu euro làm đường sắt đô thị Hà Nội - dự án chậm tiến độ 10 năm qua

Ngày đăng: 23:10 10/01/2018
Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ cung cấp gói tín dụng 143 triệu euro cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội, Phó chủ tịch EIB Jonanthan Taylor cho biết tại cuộc gặp gỡ báo giới sáng ngày 10-1.
 
 
Vị chuyên gia tài chính này cũng kỳ vọng khi tuyến đường sắt trên cao dài 12,5 km với 12 nhà ga này đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi giao thông công cộng tại Hà Nội.
 
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đặt câu hỏi về quan điểm của nhà tài trợ EIB trước thông tin về việc tuyến đường sắt nối từ Ga Hà Nội đến Nhổn đã bị đội vốn lên gấp 3 lần và chậm tiến độ 3 năm. Ông Taylor cho biết, trong sáng ngày 10-1, ông đã đi khảo sát hiện trường dự án và nghe phía Việt Nam trình bày về tiến độ của dự án này.
 

Đại sứ EU Bruno Angelet (bên trái) và Phó chủ tịch EIB Jonanthan Taylor.
 
“Với những gì chúng tôi chứng kiến trên hiện trường, chúng tôi thấy có sự tiến bộ, có sự cam kết về tăng tốc đẩy nhanh tiến độ đẻ hoàn thành, chúng tôi nghi nhận sự cam kết này”, ông Taylor nói, và cho biết thêm, phía Việt Nam có toàn quyền quyết định về toa tàu cũng như việc sử dụng công nghệ của bất kỳ nhà cung cấp nào chứ phía EIB không gắn điều kiện cho vay.
 
EIB đã cho Việt Nam vay tổng cộng 710 triệu euro cho các dự án phát triển tại Việt Nam từ 1998 đến nay.
 
Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet bổ sung thêm, trong các cuộc gặp với đoàn EIB, các bộ trưởng của Việt Nam đã cho biết về nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay khác, cụ thể là từ EIB, trong bối cảnh Việt Nam đã "tốt nghiệp" ODA với World Bank và ADB.
 
Ông cho biết, lãi suất của EIB – ngân hàng quốc doanh quốc tế lớn nhất trên thế giới và được sở hữu bởi 28 quốc gia thành viên EU – chỉ 0%, nghĩa là có tính cạnh tranh cao kể cả so với vốn vay ODA. Đại sứ Angelet mong muốn, Việt Nam sẽ tiếp cận nhiều hơn đến nguồn vốn này trong bối cảnh hiệp định EVFTA sẽ được ký kết tới đây.
 
Trong cuộc gặp với ông Taylor, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị EIB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và năng lượng, các dự án ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
 
Về hạ tầng giao thông, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Bắc-Nam, hệ thống sân bay, cảng biển và các công trình kết nối để phát triển các dịch vụ hậu cần logistic nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Phó thủ tướng cho biết, là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn để phát triển bền vững các khu vực chịu tổn thương nặng, thích ứng hiệu quả với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
 
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Gai thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, phía EIB đã được giới thiệu một số dự án lớn như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với đường đôi, khổ 1.435mm, dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không Long Thành.

Thông tin dự án:

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 18.408 tỉ đồng, tuy nhiên, dự án đã phải nhiều lần điều chỉnh tăng vốn, đến nay tổng mức đầu tư đội lên thành 36.000 tỉ đồng.
 
Ngoài ra, dự án này thuộc diện dự án "rùa" nhất không chỉ của Hà Nội mà cả nước.
 
Được khởi công lần đầu năm 2006, dự án ban đầu được đơn vị quản lý dự án xác định sẽ hoàn thành vào năm 2010, nhưng sau đó do thi công quá chậm, liên tục phải lùi thời hạn đến năm 2015, 2016, rồi 2017, 2018, và gần nhất là lùi đến năm… 2021.

DiaOc24G.com/Theo Tuổi Trẻ và TBKTSG.

Tin tức nổi bật

CHÚNG TÔI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

NẠP TIỀN BẰNG THẺ CÀO