Hotline: 091 802 8809 | Hỗ trợ kỹ thuật: 097 682 7735 - 097 515 8809 - 091 802 8809

'Mê hồn trận': Một dự án mất 3 năm chưa xong thủ tục

Ngày đăng: 18:38 05/04/2018
Sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý, thủ tục phức tạp rườm rà, đấu thầu thiếu minh bạch là những rào cản lớn, đang gây ra nhiều khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

“Mê hồn trận” thủ tục
 
Trao đổi tại một diễn đàn mới đây về những vướng mắc về cơ chế chính sách, gây cản trở trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đóng góp tới 11% vào GDP, nhưng còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
 
Trước hết đó là sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý. Đây là rào cản lớn nhất  trong việc cải tiến thủ tục về đầu tư xây dựng. Riêng Bộ Xây dựng có tới 4 Luật gồm: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Còn Bộ KH-ĐT có 3 Luật gồm: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 Luật gồm: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ  môi trường. Bộ Công an có Luật Phòng cháy chữa cháy,...


Để được cấp phép một dự án xây dựng là cả hành trình gian nan.

Như vậy liên quan đến hoạt động xây dựng,  có cả chục luật tác động, vấn đề là giữa những luật này lại có sự khác biệt, nên rất khó thực hiện.
 
Đó là chưa kể đến các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư… Ngoài ra, việc thực thi tại các địa phương cũng khác nhau.  Khổ nhất là nhà đầu tư nước ngoài cứ như lạc vào “mê hồn trận” thủ tục hành chính, không biết phải làm thế nào, giải quyết ra sao, ông Hiệp nói.
 
Cũng theo ông Hiệp, cách thức tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng thiếu khoa học, làm tăng sự phức tạp và tốn kém. Để thẩm định 1 dự án, chắc chắn phải làm việc với các Bộ Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Công an về phòng cháy chữa cháy và cả Bộ Quốc Phòng về chiều cao tĩnh của công trình.
 
Dự  án cấp thành phố như Hà Nội, để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Sở KH-ĐT là đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Theo quy định, nếu hồ sơ hợp lệ thì sau 15 ngày có kết quả. Nhưng trên thực tế, Sở này lại gửi văn bản hỏi ý kiến tới các Sở Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế và UBND quận nơi có dự án. Như vậy, thực chất phải qua 6 cửa mà cuối cùng DN phải làm việc trực tiếp với tất cả 6 cửa này để giải quyết công việc. Chính vì vậy, từ 1 thủ tục thành 6 thủ tục và thời gian kéo dài từ 5-6 tháng.

Tính ra, 1 dự án từ khi bắt đầu làm thủ tục phải chuẩn bị từ 2 đến 3 năm mà có khi còn không xong. Cần thay đổi, để giảm bớt gánh nặng thủ tục cho DN, ông Hiệp đề nghị.
 
Ông Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng, Tổng Hội xây dựng Việt Nam, cho biết, việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang rất phức tạp. Đó là khối lượng công việc khổng lồ, quá sức với lực lượng công chức có hạn và sự hiểu biết chuyên sâu của họ.
 
Nói thẳng rằng cơ chế xin - cho vẫn đang được níu kéo. Việc ban hành thông  tư phần nhiều  do các Cục, Vụ soạn thảo và họ vẫn thường hay "cài" các điều kiện buộc các chủ thể liên quan phải đến "xin" để họ "cho", ông Chủng phản ánh.
 
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), than phiền, hiện EVN có 3.000 dự án đầu tư xây dựng, trong đó có hàng loạt các dự án nhóm A, thuộc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song, các dự án vẫn bị Bộ Xây dựng yêu cầu lập báo cáo tiền khả thi, chờ thẩm định.
 
Theo ông Tài Anh, 2 năm qua chưa có dự án nào được triển khai, như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện sau này.


Rất nhiều nhà đầu tư nản lòng hay dự án bị chậm tiến độ bởi thủ tục.

Thiếu minh bạch đấu thầu
 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thực tế hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đang có nhiều biến tướng xấu, gây nhiều hệ lụy. Chuyện nhà thầu yếu kém đang là trở ngại khá lớn với nhiều dự án sử dụng vốn trong nước.
 
Khi xét thầu có hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” tham gia với vai phụ, tạo điều kiện cho vai chính trúng thầu theo ý đồ đã bàn trước. Nhiều trường hợp đấu thầu trở thành cách hợp thức hóa sự thiếu minh bạch để lựa chọn đơn vị trúng thầu.
 
Trong quá trình thực thi, còn nhiều tiêu cực xảy ra như các chủ đầu tư gây khó cho nhà thầu, việc lựa chọn nhà thầu có những ưu ái mang tính thân hữu, người nhà, ưu tiên đối với nhà thầu thân quen,...
 
Vẫn còn nhiều bất cập vì tình trạng lách luật của bên mời thầu diễn ra phổ biến khiến nhiều nhà thầu không quen với chủ đầu tư luôn bị làm khó. Cái bị làm khó nhất chính là hợp đồng tương tự và chứng minh kinh nghệm thi công đối với những hợp đồng tương tự hoặc nhân sự chủ chốt, thiết bị máy móc…
 
Còn theo ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, dù luật đấu thầu quy định rõ, nhưng hiện nay ở các địa phương, có tới 70% số dự án chỉ định thầu mà không hề đấu thầu công khai.
 
Nhiều dự án bản chất là công khai, nhưng hở ra là có tình trạng "quây thầu", "cướp thầu" hoặc gây khó dễ trong bán hồ sơ, để cho các nhà thầu tay trong trúng thầu, ông Cận nói.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận thực trạng hiện nay đang còn cả “rừng vướng mắc". Việc xử lý các vấn đề trong lĩnh vực xây dựng là một yêu cầu khó, cần cẩn trọng. Nếu xử lý không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, đời sống của người dân.
 
Đối với những vướng mắc, kiến nghị về thể chế, Bộ Xây dựng sẽ tiếp cận và tháo gỡ theo trình tự đầu tư cơ bản, từ chủ trương, thẩm định đến phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu,... Vướng ở đâu gỡ đến đó, ông Hà nói.

DiaOc24G.com/Theo Vietnamnet.vn.

Tin tức nổi bật

CHÚNG TÔI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

NẠP TIỀN BẰNG THẺ CÀO