Hotline: 091 802 8809 | Hỗ trợ kỹ thuật: 097 682 7735 - 097 515 8809 - 091 802 8809

Cư dân tụ tập, căng băng rôn đòi tiền bảo trì chung cư

Ngày đăng: 13:00 17/08/2018
Sau rất nhiều lần yêu cầu OceanGroup trả lại cho cư dân hơn 16 tỷ đồng quỹ bảo trì không thành, cư dân Starcity kéo tới trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) để đòi quyền lợi.

Theo phản ánh của ban quản trị, nhiều lần cư dân đã đến tận trụ sở của OceanGroup yêu cầu được gặp ban lãnh đạo của OceanGroup nhưng đều nhận được câu trả lời lãnh đạo đi vắng. Gần đây nhất, ngày 14/8, nhiều cư dân đã phải ngồi đợi lãnh đạo OceanGroup xuyên trưa tại trụ sở nhưng vẫn không gặp được.
 
Chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư. Từ năm 2009, giữa Vneco và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) có ký Hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản và ủy quyền bán. Theo đó, Ocean Group đã đứng tên bán và thu 2% quỹ bảo trì từ các chủ sở hữu căn hộ (khoảng 18 tỷ đồng).


Sau khi được thành lập hợp pháp, ban quản trị đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư và Ocean Group bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư và hồ sơ tòa nhà.
 
Ngày 30/3/2018, chủ đầu tư mới bàn giao được Hồ sơ tòa nhà và một phần nhỏ quỹ bảo trì (hơn 2 tỷ đồng trong khoảng 30 tỷ đồng tổng quỹ bảo trì).
 
Theo như văn bản gửi Ban quản trị cư dân mới đây nhất của OceanGroup, hiện Ocean Group vẫn còn giữ hơn 16 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì tại chung cư Starcity. Đáng nói hơn, Ocean Group khẳng định rằng sẽ trả cho cư dân trong vòng 10 năm chia làm các đợt nhỏ. Và chỉ trong trường hợp tài chính cho phép thì mới ưu tiên thanh toán sớm hơn.
 
Được biết, hiện nay ngoài vấn đề quỹ bảo trì, cư dân chung cư Starcity còn chưa được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư chưa bàn giao hồ sơ hoàn công và thủ tục đầy đủ. Ngoài ra  nhiều hạng mục tại tòa nhà bắt đầu hư hỏng nặng.
 
Theo thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội có khoảng hơn 600 chung cư nhưng số chung cư đã bàn giao quỹ bảo trì chỉ khoảng 20%. Hàng loạt chung cư khác trên địa bàn Hà Nội như Sky City, Tổ hợp chung cư NO5 Trung Hòa - Nhân Chính,... cũng chây ì bàn giao phí bảo trì.
 
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cư dân Hồ Gươm Plaza ở Mỗ Lao (Hà Đông) do Công ty cổ phần May Hồ Gươm làm chủ đầu tư, cũng phải chấp nhận để đơn vị này trả lại phí bảo trì một cách nhỏ giọt.


Cư dân chung cư CT1 Khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trầy trật hơn nửa năm vẫn chưa thể đòi lại được số tiền trên 10 tỷ đồng quỹ bảo trì, do chủ đầu tư chiếm giữ để sửa chữa các hạng mục đang xuống cấp.
 
Ban Quản trị đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng khi cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.
 
Trước đó, dự án Keangnam (Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội), ban Quản trị toà nhà cùng cư dân nhiều lần kêu cứu lên Thủ tướng để đòi lại tiền phí bảo trì nhưng nhiều năm trôi qua, số tiền này vẫn chưa về tài khoản của Ban Quản trị toà nhà.
 
Luật cũng đã quy định rõ ràng, khi thu phí 2%, chủ đầu tư phải lập tài khoản riêng chứ không sử dụng tài khoản chung của chủ đầu tư. Tài khoản riêng này sẽ được trao cho Ban Quản trị toà chung cư. Nếu chủ đầu tư làm trái luật sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.
 
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản. Trong báo cáo, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, cho phép Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với những chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.


DiaOc24G.com/Theo Vietnamnet.vn.

Tin tức nổi bật

CHÚNG TÔI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

NẠP TIỀN BẰNG THẺ CÀO