Hotline: 091 802 8809 | Hỗ trợ kỹ thuật: 097 682 7735 - 097 515 8809 - 091 802 8809

Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

Ngày đăng: 14:45 14/07/2018
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ồ ạt rót vốn vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ châu Á đang tỏ ra áp đảo.


Tăng mạnh đầu tư trực tiếp
 
Tập đoàn Hinokiya của Nhật Bản cùng Tập đoàn Thế giới Kỹ thuật (TWG) của Việt Nam đang xúc tiến thành lập một liên doanh để phát triển các dự án bất động sản ở trong nước, sau khi hai bên đã ký kết hợp tác chiến lược để cùng phát triển các dự án ở Việt Nam vào ngày 22-6 vừa qua. Theo ông Lê Cao Minh, Tổng giám đốc Tập đoàn TWG, trước mắt hai bên bắt tay cùng thực hiện dự án bất động sản đầu tiên với ý tưởng nhà ở kiểu Nhật Bản. Theo đó, liên doanh với tỷ lệ góp vốn 50:50, nhằm triển khai việc phát triển dự án tại TPHCM có tổng diện tích đất 9,7 héc ta, trong đó giai đoạn 1 thực hiện khoảng 2,7 héc ta. Ông Minh cho biết, dự án sẽ không sử dụng nguồn vốn vay.
 
Lãnh đạo Hinokiya cho biết dự án hợp tác với TWG cũng là dự án bất động sản đầu tiên của Hinokiya đầu tư ra khỏi thị trường Nhật Bản. Lãnh đạo Hinokiya đánh giá Việt Nam với nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định, thu nhập người dân đang tăng, dân số đông và trẻ,… đang là thị trường có nhiều tiềm năng để rót vốn đầu tư.
 
Tại Bình Dương, hồi giữa tháng 5 - 2018, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial), một liên doanh giữa Quỹ đầu tư Warburg Pincus và Tổng công ty Becamex IDC, cũng đã chính thức ra mắt. Với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu đô la Mỹ, trong đó đối tác nước ngoài góp 70%, BW Industrial hướng tới việc cung cấp nhà kho hiện đại, nhà xưởng xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu của khách hàng và các sản phẩm liên quan đến bất động sản công nghiệp để đáp ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Hiện liên doanh đã mua 8 dự án với hơn 2 triệu mét vuông đất công nghiệp đang được phát triển ở Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh để phục vụ cho mục tiêu nói trên.
 
Đây cũng là dự án phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp đầu tiên của Warburg Pincus tại Việt Nam sau khi quỹ đầu tư này đã rót hơn 1 tỉ đô la Mỹ vào các dự án bất động sản thương mại, ngân hàng... kể từ năm 2013. Giám đốc điều hành tập đoàn Warburg Pincus, ông Charles R. Kaye, cho rằng Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý vì kinh tế tăng trưởng nhanh. Ông tin rằng thị trường bất động sản công nghiệp và dịch vụ hậu cần sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, khi mà đang có sự dịch chuyển địa điểm sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.
 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguồn vốn FDI cam kết vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục có chiều hướng tăng cao và đang ở vị trí thứ 2 trong sáu tháng đầu năm 2018, với tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 27,25% tổng vốn đăng ký. Kết quả này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và khá đa dạng, từ phát triển nhà ở đến sản xuất công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và du lịch… Theo thống kê, năm 2017 lĩnh vực bất động sản có tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ đạt 3,05 tỉ đô la, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Lĩnh vực bất động sản gần đây xuất hiện thêm những dự án có quy mô vốn lớn. Đơn cử vào cuối tháng 3 vừa qua, tập đoàn Amata Việt Nam đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới để phát triển dự án thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh với quy mô lên đến 714 héc ta. Mới đây, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã đón giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Lotte Mall Hà Nội xây khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày tại Hà Nội với số vốn đầu tư lên đến 600 triệu đô la Mỹ.
 
Đáng chú ý là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,138 tỉ đô la của một nhà đầu tư Nhật Bản. Đây cũng là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn cam kết lớn nhất từ đầu năm đến nay, góp phần đáng kể vào kết quả thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2018.
 
Nhộn nhịp M&A
 
Bên cạnh đầu tư trực tiếp, thị trường bất động sản Việt Nam đang tiếp tục chứng kiến những hoạt động đầu tư theo hình thức mua bán-sáp nhập (M&A), mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước hoặc các dự án đã hình thành.
Nhận định về thị trường bất động sản nửa đầu năm 2018, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho rằng nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường trong nước theo chiều hướng tích cực và thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI. Đây là sự khởi đầu khá thuận lợi cho năm 2018 với những diễn biến đầy hứa hẹn trên mọi phân khúc bất động sản.
 
Có thể thấy các hoạt động M&A đang diễn ra khá sôi động. Trong đó đáng chú ý là giao dịch của Nomura Real Estate (Nhật Bản) mua 24% quyền sở hữu tại Sunwah Tower, một tòa nhà văn phòng hạng A có tổng diện tích sử dụng lên đến 20.800 mét vuông tại quận 1, TPHCM. Tòa nhà Sun Wah có vị trí đắc địa và khách thuê đa số là doanh nghiệp nước ngoài.
 
Cũng vào tháng 3 vừa qua, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9 héc ta tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án này bao gồm 380 căn hộ, khoảng 21.400 mét vuông văn phòng và hơn 19.300 mét vuông diện tích bán lẻ. Thương vụ này sẽ mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 dự án phát triển khu dân cư, một khu phức hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ tại sáu thành phố của Việt Nam.
 
Keppel Land, một nhà đầu tư Singapore, mới đây cũng đã mua 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited tại dự án Saigon Sports City, trị giá khoảng 11,4 triệu đô la Mỹ. Với diện tích 64 héc ta, dự án này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp và đầy đủ cơ sở hạ tầng cho các hoạt động thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.
 
Đáng chú ý, tháng 4 - 2018, Vinhomes và một công ty thành viên khác của tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore. Theo đó, GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỉ đô la Mỹ dưới hai hình thức là mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án bất động sản. GIC là một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam với các khoản đầu tư vào các “ông lớn” như Masan Group, Vietjet Air, Vinamilk, FPT, PAN Group, Vinasun... Theo tính toán, tổng giá trị các khoản đầu tư này khoảng gần 15.000 tỉ đồng.
 
Việc hạn chế cho vay bất động sản, kiểm soát nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước đã buộc các nhà đầu tư trong nước tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có M&A. Trong khi đó, dưới con mắt của các nhà đầu tư ngoại, lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, mức sinh lợi cao khi so sánh với các thị trường trong khu vực.
 
Với diễn biến hiện nay, theo dự báo từ giới chuyên môn, năm 2018 sẽ là một năm kỷ lục mới cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Hình thức đầu tư này ngày càng trở nên phổ biến, khi nó kết hợp được thế mạnh của cả hai bên: nhà đầu tư nước ngoài với khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm trong khi các doanh nghiệp địa phương sở hữu quỹ đất lớn và am hiểm về trình tự, thủ tục đầu tư… Hơn nữa, chính sách mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng sẽ tạo ra sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản một cách mạnh mẽ.
 
Nhà đầu tư châu Á áp đảo
 
Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, hiện tại hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đang được triển khai bởi phần lớn các nhà đầu tư đến từ châu Á. Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư dẫn đầu ở khắp các phân khúc tại thị trường bất động sản. Thông qua việc kết hợp với các doanh nghiệp trong nước, danh mục đầu tư các nhà đầu tư này đang ngày càng mở rộng nhanh chóng.
 
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, một thị trường hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Và tùy theo chiến lược, mỗi nhà đầu tư lại chọn một phương thức tiếp cận hoặc lĩnh vực đầu tư khác nhau, dù trong cùng một ngành bất động sản.


Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đầy hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Trong khi Singapore (với các tên tuổi như Capita Land hay Keppel Land) tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ, nhà ở thì các nhà đầu tư Hàn Quốc lại ưa chuộng mảng bán lẻ, với hàng loạt các dự án siêu thị đồng giá, trung tâm thương mại tập trung tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh. Ban đầu, nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư phân khúc văn phòng nhưng gần đây đã bắt đầu tham gia nhiều vào các dự án nhà ở.

DiaOc24G.com/Theo TBKTSG.

Tin tức nổi bật

CHÚNG TÔI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

NẠP TIỀN BẰNG THẺ CÀO