Vùng TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế lớn ở Đông Nam Á
Ngày đăng: 20:11 23/01/2018
Vùng TP.HCM, trong đó TP.HCM là đô thị hạt nhân, sẽ trở thành một đô thị lớn, có vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trao hồ sơ đồ án Quy hoạch vùng TP.HCM cho phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.
DiaOc24G.com/Theo Tuổi Trẻ.
Ngày 23-1, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM cùng các tỉnh, TP trong vùng đã chủ trì Hội nghị công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch, vùng TP.HCM gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2.
Quyết định đều chỉnh quy hoạch vùng đặt ra 3 mục tiêu phát triển cho vùng kinh tế TP.HCM. Đó là:
Phát triển vùng TP.HCM thành một đô thị lớn, phát triển năng động, bền vững, có vai trò vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
Khu vực này sẽ là vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu…
Phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Trong đó TP.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế, trung tâm tri thức, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị khu vực Đông Nam Á.
Đây là mô hình phát triển tập trung, đa cực, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị, xây dựng các cực tăng trưởng tại các vùng có địa hình cao, duy trì và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng…
Chính phủ cũng chỉ đạo thành lập Ban Quản lý phát triển vùng trực thuộc Chính phủ. Ban quản lý này là cơ quan tư vấn, giúp Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển vùng TP.HCM, đồng thời tổ chức, phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng để triển khai thực hiện quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trao hồ sơ đồ án Quy hoạch vùng TP.HCM cho phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.
Ngoài ra, theo quy hoạch, trong vòng hơn 13 năm tới, vùng TP.HCM sẽ có thêm 10 tuyến đường sắt và đường sắt nội vùng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các tỉnh trong vùng. Đồng thời ngoài việc cải tạo, nâng cấp cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sẽ xây mới thêm cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không Côn Sơn và cảng hàng không Vũng Tàu.
DiaOc24G.com/Theo Tuổi Trẻ.